Trung Hoa là một trong những cái nôi của nền văn minh thế giới. Những giá trị văn hóa, trí tuệ của người dân Trung Hoa luôn có sức ảnh hưởng sâu sắc tới các quốc gia khác trên thế giới. Và trong đó, không thể không kể đến Tứ đại phát minh (四大发明 /sì dà fāmíng/) của Trung Quốc cổ đại bao gồm nghề làm giấy, nghề in, thuốc súng và kim chỉ nam.
Mục lục
1. Nghề làm giấy
Vào những năm đầu của triều đại Tây Hán, nghề làm giấy đã được phát minh ở Trung Quốc. Vào năm 105 sau Công Nguyên, Thái Luân của nhà Đông Hán đã cải tiến kỹ thuật làm giấy. Ông đã nảy ra một ý tưởng là sử dụng vỏ cây, đầu gai, vải và lưới đánh cá làm giấy. Trong số bốn phát minh vĩ đại ở Trung Quốc cổ đại, việc phát minh ra giấy có ảnh hưởng lâu dài nhất và tác động tích cực đáng kể nhất đối với sự phát triển của nền văn minh và sự phát triển của xã hội. Ứng dụng rộng rãi của giấy trong đời sống xã hội đã tạo ra một cuộc cách mạng trong việc ghi chép, phổ biến và truyền đạt thông tin (thay vì dùng thẻ tre hay mai rùa để ghi chép như trước).
2. Nghề in
Nghề in bắt đầu xuất hiện từ triều đại Tùy và Đường. người ta đã kết hợp hai phương pháp là khắc con dấu và khắc ký tự lên đá để phát minh ra kỹ thuật in trên ván. “Kinh Kim Cang” được in vào năm 868, đây là bản in nổi sớm nhất còn tồn tại trên thế giới. Vào đầu thế kỷ 11, Tất Thắng - một thường dân thời Bắc Tống, đã phát minh ra kiểu in chữ mới, sớm hơn phát minh ở châu Âu hơn bốn thế kỷ. In ấn của Trung Quốc đã được truyền bá sang phương Tây thông qua Ba Tư. Vào cuối thế kỷ 14, in khắc gỗ xuất hiện ở châu Âu. Việc in ấn cũng liên quan chặt chẽ đến cuộc các cuộc cải cách của con người, thúc đẩy các phong trào đổi mới trong các lĩnh vực trí tuệ và văn hóa, như các học giả phương Tây nói, "Hầu như mọi thành tựu trong tiến trình văn minh hiện đại ở thế giới phương Tây đều liên quan đến sự ra đời và phát triển của nghề in theo những cách khác nhau".
3. Thuốc súng
Khi xưa, các nhà luyện đan, đạo sĩ hay nhà chiêm tinh quan niệm con người có thể trường sinh bất lão. Trong khi mày mò nghiên cứu tìm cách chế tạo “tiên đan”, có người đã vô tình để lửa bén vào gây nổ, cuối cùng tạo ra thuốc nổ. Tuy nhiên, khi đó thuốc nổ chỉ được dùng làm pháo đốt, pháo bông phục vụ cho lễ hội. Vào thời Đường, có người tên là Thanh Hư Tử đã đề xuất công thức chế thuốc nổ theo tỉ lệ hai lạng lưu huỳnh, hai lạng đá tiêu, ba chỉ rưỡi aristolochic. Phương pháp chế tạo thuốc súng đã được ghi trong sách vào giữa thời nhà Đường và dần được sử dụng cho quân sự. Vào thời Nam Tống, "súng nổ" đã được phát minh và được giới thiệu đến Ả Rập và Châu Âu vào thế kỷ 13. Việc phát minh và phổ biến thuốc súng đã thay đổi phương thức chiến tranh trong thời Trung cổ và là một sự kiện quân sự mang tính thời đại.
4. Kim chỉ nam (La bàn)
Vào thời Chiến Quốc, người ta đã chế tạo ra dụng cụ Tư Nam (司南) để chỉ phương hướng. Họ dùng đá nam châm thiên nhiên mài gọt thành hình dáng như một cái thìa, sau đó đặt trên một cái đế bằng đồng được mài nhẵn và quay chiếc thìa. Đế đồng được phân chia theo các cung quẻ, 4 phương 8 hướng. Khi chiếc khi thìa dừng lại, hướng của cán thìa sẽ quay về hướng Nam. Sau đó họ sử dụng nguyên lý dẫn hướng của nam châm để chế tạo la bàn, đến thời Bắc Tống thì la bàn được dùng để chỉ phương hướng. Lý luận về la bàn sớm nhất ở Trung Quốc được hình thành trên “thuyết cảm ứng” dựa trên học thuyết âm dương ngũ hành. La bàn được giới thiệu đến Ả Rập và Châu Âu vào thế kỷ 13, việc phát minh và phổ biến la bàn có vai trò quan trọng trong đời sống quân sự và kinh tế, nhất là đối với sự phát triển của ngành hàng hải...
Có thể thấy, tứ đại phát minh của Trung Quốc cổ đại (nghề làm giấy, nghề in, thuốc súng, la bàn) đã đóng vai trò to lớn đối với sự phát triển của thế giới. Tứ đại phát minh là tổng hợp của trí tuệ và sức mạnh, là kết quả của quá trình không ngừng học hỏi và thực hành của nhân dân Trung Hoa.
Comments