Chắc nhiều bạn cũng biết, ngày Tết âm lịch cổ truyền của Việt Nam bắt nguồn và chịu ảnh hưởng từ ngày Tết âm lịch cổ truyền của Trung Quốc. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi, ngày Tết âm lịch truyền thống ở Trung Quốc bắt đầu từ khi nào và diễn ra như thế nào chưa? Trong bài viết này, ai mandarin sẽ giải đáp giúp bạn nha!
Mục lục
1. Nguồn gốc của Tết âm lịch Trung Quốc
Tết âm lịch truyền thống của Trung Quốc (春节 /Chūnjié/) là lễ hội từ ngày 23, 24 tháng 12 âm lịch đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch, trong đó Đêm giao thừa và ngày mùng Một Tết là quan trọng nhất. Đây là ngày lễ lớn nhất Trung Quốc, được người dân Trung Quốc coi trọng và ăn mừng linh đình để tạm biệt một năm cũ đã qua, đón chào một năm mới đến.
Ngày Tết âm lịch của Trung Quốc có nguồn gốc từ 4.000 năm trước, khi vua Thuấn trở thành hoàng đế của Trung Quốc và dẫn thuộc hạ của mình cúng tế trước trời đất. Từ đấy, mọi người xem ngày này là ngày đầu tiên của mỗi năm, chính là ngày mùng Một tháng Giêng. Cũng kể từ đó, cứ đến ngày mùng Một tháng giêng hàng năm, mọi người lại tổ chức nhiều hoạt động tưng bừng để chào đón năm mới. Qua từng triều đại lịch sử, Tết âm lịch ngày càng được tổ chức long trọng và trở thành ngày lễ không thể thiếu đối với người dân Trung Hoa.
2. Những phong tục ngày Tết âm lịch của người Trung Quốc
Kỳ nghỉ Tết ở Trung Quốc rất dài trong những ngày này người dân Trung Quốc sẽ có những hoạt động truyền thống như sau:
2.1. Dọn dẹp, trang trí nhà cửa
Trước Tết, người dân Trung Quốc sẽ đi mua sắm đồ đạc cho ngày Tết. Sau đó cả gia đình sẽ cùng nhau dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ để xua đuổi đi những điều không may mắn trong năm cũ.
Theo quan niệm truyền thống của Trung Quốc, màu đỏ là màu sắc may mắn nên sắc màu chủ đạo của ngày Tết là màu đỏ, người dân sẽ treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ để trang trí nhà cửa hoặc dán hình các vị thần để cầu may. Ngoài ra, họ sẽ treo hình chữ 福 (Phúc) ngược để mang ý nghĩa đồng âm với câu nói “Phúc đến rồi”, đem Phúc về đến nhà mình.
Câu đối đỏ, đèn lồng đỏ và chữ Phúc ngược (Nguồn: Xiaohongshu)
2.2. Thờ cúng tổ tiên
Tưởng nhớ, thờ cùng ông bà tổ tiên từ lâu đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của người dân Trung Quốc. Vào những dịp lễ quan trọng như Tết, việc chuẩn bị mâm cơm thắp hương cho ông bà tổ tiên rất được người Trung Quốc coi trọng. Ngày 23/12 âm lịch, họ cũng chuẩn bị mâm cơm để thắp hương ông công ông táo như Việt Nam, và trong suốt những ngày Tết diễn ra, người Trung Quốc cũng chuẩn bị cơm nước thắp hương, mời ông bà tổ tiên về đón Tết cùng gia đình.
Mâm cơm thắp hương ngày Tết của người Trung Quốc (Nguồn: Xiaohongshu)
2.3. Cả gia đình ăn bữa cơm đoàn tụ cuối năm
Vào đêm giao thừa (tức ngày 30 Tết), cả gia đình sẽ đoàn tụ cùng nhau ăn bữa cơm giao thừa để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm năm cũ, cùng nhau chìm đắm trong không khí gia đình đầm ấm để chờ đón một năm mới sắp sang. Bữa ăn này vô cùng thịnh soạn, thường có những món ăn truyền thống trong ngày Tết ở Trung Quốc như cá (vì từ “cá” trong tiếng Trung đồng âm với “dư dả”), sủi cảo, chả giò, bánh gạo… Thường cả gia đình sẽ vừa ăn cơm tất niên vừa xem chương trình “Xuân Vãn” (một chương trình cuối năm) chiếu trên Đài Truyền hình Trung Quốc.
Tất cả thành viên gia đình cùng đoàn tụ ăn bữa cơm tất niên (Nguồn: baidu)
2.4. Đốt pháo
Vào khoảnh khắc giao thừa (12h đêm), nhiều người sẽ bắt đầu đốt pháo. Đây là một tập tục bắt nguồn từ ngày xưa để xua đuổi quỷ dữ, những điều không may mắn và đem đến không khí tưng bừng cho lễ hội mùa xuân.
Trẻ em đốt pháo trước cửa nhà (Nguồn: baidu)
2.5. Chúc Tết, mừng tuổi
Vào những ngày Tết, người Trung Quốc sẽ đến nhà ông bà, bố mẹ, người thân và bạn bè để chúc Tết, chúc mọi người năm mới nhiều sức khỏe, niềm vui, học tập và công việc thuận lợi, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Người lớn sẽ mừng tuổi cho trẻ em bằng những bao lì xì đỏ đựng tiền mừng tuổi.
Người Trung Quốc ưa chuộng những số tiền bắt đầu bằng số chẵn, chẳng hạn như 8 vì đồng âm với “giàu có”, và 6 vì đồng âm với “suôn sẻ”, ngoại trừ số 4 vì nó đồng âm với “chết”.
Cả gia đình đoàn tụ chúc Tết
2.6. Dạo phố, xem mua sư tử múa lân
Vào những ngày Tết, khắp các ngõ ngách con phố đều tràn ngập sắc xuân rộn ràng với những dãy đèn lồng đỏ, người dân nô nức ra đường dạo phố du xuân. Múa lân và múa sư tử đã trở thành một hoạt động biểu diễn nghệ thuật đặc sắc vào những ngày này.
Người dân và khách du lịch ra đường xem múa rồng múa lân (Nguồn: baidu)
Bức tranh tái hiện ngày Tết truyền thống ngày xưa ở Trung Quốc (Nguồn: Xiaohongshu)
3. Những điều kiêng kị trong ngày Tết âm lịch ở Trung Quốc
Bên cạnh những phong tục truyền thống, cũng có những điều mà người dân Trung Quốc kiêng kị khi Tết đến.
3.1. Không gội đầu, cắt tóc ngày Tết
Vì việc này sẽ được coi là cắt đi, gội rửa những may mắn, thịnh vượng của năm mới. Vậy nên người Trung Quốc sẽ gội đầu, cắt tóc trước khi Tết đến.
3.2. Không giặt quần áo
Theo quan niệm dân gian Trung Quốc, ngày đầu tiên và ngày thứ hai của năm mới là hai ngày để thờ thần Thủy. Người Trung Quốc sẽ không giặt đồ trong những ngày này vì điều đó được coi là hành động xúc phạm tới thần Thủy.
3.3. Không quét nhà những ngày Tết
Vì người Trung Quốc cho rằng hành động này sẽ bị coi là quét sạch những may mắn, tài lộc ra khỏi nhà và nếu vứt rác sẽ bị coi là vứt những phúc lộc đi mất. Vậy nên những ngày đầu năm mới người Trung Quốc không dọn nhà.
3.4. Không làm vỡ đồ đạc
Theo người xưa, tiếng vỡ đồng nghĩa với tán gia bại sản nên người Trung Quốc coi đây là một điềm xui. Mọi người đều tuyệt đối cẩn thận khi sử dụng các đồ đạc dễ vỡ. Đặc biệt, với những thương gia, người làm kinh doanh buôn bán thì điều này cực kì kiêng kị.
Tết âm lịch Trung Quốc là một ngày lễ có lịch sử lâu đời, được người Trung Quốc hết sức coi trọng và chú ý tới nhiều lễ nghi, hình thức. Tết âm lịch Trung Quốc có ảnh hưởng tới nhiều quốc gia khác trên thế giới như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản… Hãy thử một lần đi du lịch Trung Quốc dịp Tết để trải nghiệm không khí Tết truyền thống nơi đây bạn nhé!
Comments