Trung Quốc là một quốc gia có nền văn học phong phú, đồ sộ và lâu đời. Các tác phẩm đa dạng về thể loại, đề tài, phản ánh sâu sắc thời đại và quan niệm của con người đối với cuộc sống. Trong đó, có 4 tác phẩm nổi tiếng tạo nên tên gọi lừng lẫy tứ đại danh tác của nền văn học Trung Quốc, hãy thử tìm hiểu 4 tác phẩm ấy là gì trong bài viết này nhé!
Mục lục
1. Tứ đại danh tác là gì?
Tứ đại danh tác (tiếng Trung: 四大名著 /sì dà míngzhù/) chỉ bốn tác phẩm văn học cổ điển được cho là danh tiếng nhất của văn học Trung Quốc, xếp theo thứ tự thời gian xuất hiện lần lượt là:
“Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung
“Thủy hử” của Thi Nại Am
“Tây du ký” của Ngô Thừa Ân
“Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần
2. Tìm hiểu về tứ đại danh tác
2.1. “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung
“Tam quốc diễn nghĩa” (tên tiếng Trung: 三国演义 /Sānguó yǎnyì/) còn có tên gọi đầy đủ là “Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa” là một cuốn tiểu thuyết về lịch sử Trung Quốc được nhà văn La Quán Trung viết vào thế ký 14.
"Tam Quốc diễn nghĩa" là một tác phẩm văn học toàn diện, kết hợp với "Tam Quốc Chí" của Trần Thọ, "Hậu Hán thư" của Phạm Diệp, "Tam Quốc Chí Bình Thoại" của nhà Nguyên và tài liệu về các ghi chú lịch sử của Bùi Tùng Chi, cũng như quan điểm cá nhân của tác giả về xã hội và cuộc sống.
Bắt đầu bằng câu chuyện kết nghĩa của ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi ở vườn đào, và kết thúc với việc Tư Mã thị tiêu diệt nhà Ngô và mở ra thời kỳ nhà Tấn, tác phẩm chủ yếu mô tả các cuộc chiến tranh, phản ánh các cuộc đấu tranh chính trị và quân sự giữa ba nước Ngụy , Thục, Ngô. Hoàn cảnh lịch sử gần 100 năm từ cuối nhà Đông Hán đến những năm đầu của nhà Tây Tấn đã thành công xây dựng hàng loạt các anh hùng tài năng, hảo hán. Các nhân vật anh hùng trong tác phẩm có hình tượng đa dạng với sức mạnh và tài trí hơn người. Đặc biệt, mỗi câu chuyện trong đây đều chứa đựng những triết lý sống và triết lý quân sự sâu sắc.
2.2. “Thủy hử” của Thi Nại Am
"Thủy hử" (tên tiếng Trung: 水浒传/Shuǐhǔ zhuàn/), nghĩa đen có nghĩa là “bến nước”. Đây là một tiểu thuyết chương hồi do Thi Nại Am biên soạn vào cuối triều đại nhà Nguyên và đầu triều đại nhà Minh.
Toàn bộ cuốn sách phản ánh một cách nghệ thuật toàn bộ quá trình khởi nghĩa trong lịch sử Trung Quốc - Tống Giang từ khi bắt đầu, phát triển đến thất bại bằng cách kể ra những thành tích của nhóm anh hùng chống lại triều đình, quyết định lên Lương Sơn trở thành giặc cướp, thường được gọi là 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc. Tác phẩm bộc lộ sâu sắc nguồn gốc xã hội của cuộc khởi nghĩa, nhiệt liệt ca ngợi cuộc đấu tranh và lý tưởng xã hội của các anh hùng khởi nghĩa.
"Thủy hử" là một trong những tiểu thuyết chương hồi được viết bằng ngôn ngữ bình dân sớm nhất trong lịch sử Trung Quốc, được truyền bá rộng rãi và phổ biến, đồng thời là một trong những tác phẩm mang đậm tính sử thi của văn học Trung Quốc, có ảnh hưởng sâu rộng đối với văn học tự sự ở Trung Quốc và cả các quốc gia Đông Á.
2.3. “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân
“Tây du ký” (tên tiếng Trung: 西游记 /Xīyóu jì/) là một trong những tác phẩm kinh điển trong văn học Trung Hoa và cũng là một bộ phim rất quen thuộc với nhiều người Việt Nam. Tác phẩm được xuất bản với tác giả giấu tên trong những năm 1590 và không có bằng chứng trực tiếp chứng minh tác giả là ai, nhưng tác phẩm này thường được cho là của tác giả Ngô Thừa Ân.
Toàn bộ tiểu thuyết chủ yếu kể lại câu chuyện Tôn Ngộ Không sinh ra và đại náo thiên cung, sau đó đã đi theo Đường Tăng, Trư Bát Giới, Sa Tăng và Bạch Long Mã về phía Tây (Ấn Độ) để lấy Kinh. Trải qua 81 kiếp nạn, gặp đủ các loại yêu quái, cuối cùng cả năm cũng gặp được Như Lai Phật Tổ và lấy Kinh thành công. Tiểu thuyết dựa trên câu chuyện có thật trong lịch sử “Huyền Trang thỉnh kinh”, qua các bút pháp nghệ thuật, tác giả đã khắc họa sâu sắc cuộc sống sinh hoạt xã hội của nhân dân thời nhà Minh.
"Tây du ký" là một tác phẩm kinh điển của Trung Quốc về thần quỷ, đạt đến đỉnh cao của tiểu thuyết lãng mạn cổ đại. Sự kết hợp khéo léo giữa chế giễu, châm biếm và phê phán hiện thực cuộc sống trong tác phẩm đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của tiểu thuyết trào phúng về thần quỷ sau này ở Trung Quốc.
2.4. “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần
"Hồng lâu mộng" (tên tiếng Trung: 红楼梦 /Hónglóu mèng) là một tiểu thuyết cổ đại của Trung Quốc theo thể loại chương hồi. Phiên bản hiện tại có 120 chương, 80 chương đầu tiên được viết bởi nhà văn thời nhà Thanh Tào Tuyết Cần, và 40 chương cuối được viết bởi Cao Ngạc.
"Hồng lâu mộng" là một tiểu thuyết nhân văn có tầm ảnh hưởng tới thế giới, được mọi người công nhận là đỉnh cao của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, một bộ bách khoa toàn thư về xã hội phong kiến Trung Quốc, một bậc thầy về văn hóa truyền thống. Cuốn tiểu thuyết lấy sự thăng trầm của tứ đại gia tộc Giả, Vương, Sử, Tiết làm bối cảnh, chú trọng vào câu chuyện gia đình và cuộc sống nhàn hạ của nhà họ Giả, đồng thời lấy câu chuyện tình yêu và hôn nhân của Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc làm tuyến chính để nói về bản chất và bi kịch của con người, qua đó dự đoán kết cục sụp đổ tất yếu của xã hội phong kiến.
Từ thế kỷ 20, “Hồng lâu mộng” với nền tảng tư tưởng phong phú, sâu sắc và những thành tựu nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, đã khai sinh ra một chuyên ngành nghiên cứu trong giới học thuật - Hồng Học. Đặc biệt, bởi vì 40 chương cuối không phải do Tào Tuyết Cần viết (tác giả gốc qua đời trước khi tác phẩm hoàn thành), nên người đọc không ngừng nghiên cứu và suy đoán tác giả gốc sẽ để cái kết truyện như thế nào.
Tổng kết, bốn tác phẩm “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, “Thủy hử” của Thi Nại Am, “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân, “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần đã làm nên Tứ đại danh tác nổi tiếng của văn học Trung Quốc, không chỉ có sức ảnh hưởng sâu rộng đối với nền văn học nước nhà mà còn thu hút được đông đảo độc giả trên toàn thế giới. Nếu có thời gian, bạn hãy thử tìm đọc bốn tác phẩm này nhé!
תגובות